Chắc hẳn khi nhìn thấy một hình ảnh hay logo nổi tiếng như chữ "Coca-Cola" trên nền màu đỏ là bạn nhận ra ngay đây là một hãng đồ uống nổi đúng không? Nhưng có bao giờ chỉ nghe thấy một anh thanh mà liên tưởng ngay đến một dịch vụ hay hàng hoá nào đó? Khi nghe thấy “Kangaroo, máy lọc nước hàng đầu Việt Nam” bạn có nhớ ngay đến hãng sản xuất máy lọc nước này không? Hay khi nghe vài tiếng “ting, ting, ting” là nhớ đến âm thanh khởi động của hãng điện thoại Nokia? Đây chính là những ví dụ về nhãn hiệu âm thanh - một dấu hiệu để khách hàng ghi nhớ đến mình mà không cần hình ảnh.
Vậy nhãn hiệu âm thanh là gì? Nhãn hiệu âm thanh có được bảo hộ tại Việt Nam không? Nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giới với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ (IP and music: Feel the beat of IP)” hãy cùng tìm hiểu về nhãn hiệu âm thanh qua bài viết dưới đây nhé.
1. Nhãn hiệu âm thanh là gì?
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nhãn hiệu âm thanh có thể bao gồm: những âm thanh là âm nhạc, âm nhạc này có thể là đã tồn tại từ trước, cũng có thể là được sáng tác mới để phục vụ cho mục đích đăng ký nhãn hiệu hoặc những âm thanh không phải là âm nhạc đang tồn tại trong tự nhiên (ví dụ: như tiếng kêu của các con vật hoặc những âm thanh được tạo ra bởi những những đặc tính địa lý hoặc khí tượng học) hoặc những âm thanh được tạo ra bởi các thiết bị, máy móc hoặc những phương tiện do con người tạo ra.
Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA) đưa ra định nghĩa: nhãn hiệu âm thanh là loại nhãn hiệu có thể bao gồm một giai điệu, một đoạn nhạc hoặc âm thanh khác.
Ở Trung Quốc, nhãn hiệu âm thanh được quy định là nhãn hiệu được cấu thành từ yếu tố âm thanh có khả năng phân biệt nguồn gốc của sản phẩm/dịch vụ.
Tại Việt Nam chưa có định nghĩa chính thức về nhãn hiệu âm thanh nhưng từ quy định và định nghĩa từ một số quốc gia trên thế giới có thể hiểu nhãn hiệu âm thanh là nhãn hiệu được tạo ra từ các yếu tố từ âm hưởng, có thể cảm nhận bằng thính giác, có thể do tổ hợp các đơn âm hoặc thang âm cấu thành, dùng để phân biệt nguồn gốc thương mại của sản phẩm hoặc dịch vụ.
Có thể thấy rằng nhãn hiệu âm thanh về bản chất vẫn giống như các loại nhãn hiệu khác như nhãn hiệu hình hay chữ là để phân biệt hàng hoá/dịch vụ của chủ thể này với chủ thể khác nhưng thay vì đánh vào thị giác của khách hàng thì thính giác lại được tập trung đến. Đặc biệt khi mà nhãn hiệu truyền thống đang bão hoà như hiện nay thì nhãn hiệu âm thanh sẽ trở thành một vũ khí hỗ trợ mạnh mẽ trong việc hỗ trợ xây dựng hình ảnh đặc biệt trong tâm trí khách hàng.
2. Nhãn hiệu âm thanh có được bảo hộ tại Việt Nam không?
Tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2019 dấu hiệu được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu nếu đáp ứng các điều kiện:
- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
- Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
=> Quy định tại thời điểm này chỉ cho phép bảo hộ những dấu hiệu có khả năng nhìn thấy được do đó không bảo hộ nhãn hiệu âm thanh.
Tuy nhiên, sau khi gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2018, Việt Nam bổ sung đối tượng bảo hộ mới là nhãn hiệu âm thanh để tuân thủ cam kết của CPTPP về bảo hộ thêm một loại nhãn hiệu phi truyền thống. Theo đó tại Khoản 20 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 72 như sau:
“Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;”
=> Nhãn hiệu âm thanh đã được ghi nhận bảo hộ tại Việt Nam. Các tổ chức/ cá nhân có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này tại Cục Sở hữu trí tuệ để bảo hộ nhãn hiệu âm thanh của mình.
3. Xu hướng thiết kế âm thanh thương hiệu trên thế giới
Âm thanh thương hiệu là quá trình xây dựng âm thanh đặc trưng, có liên kết với thương hiệu. Âm thanh này đại diện cho bản sắc và giá trị của doanh nghiệp theo cách riêng và được thể hiện ở các phương diện tông giọng của thương hiệu, biểu tượng của âm thanh, bài hát của thương hiệu.
Theo nghiên cứu của PHMG - một Audio Branding Agency đến từ Chicago đã chứng minh, âm thanh có ảnh hưởng khá nhiều đến cảm xúc và nhận thức về giá trị của thương hiệu. Cụ thể, khi Agency này tiến hành phát những đoạn nhạc khác nhau cho 1,000 người nghe thì có đến 60% trong số đó nhận xét âm nhạc dễ ghi nhớ hơn so với hình ảnh. Ngoài ra, gần một nửa những người tham gia (45%) tin rằng âm nhạc làm cho họ hiểu rõ cá tính của thương hiệu và 47% cho biết âm nhạc giúp con người có cảm thấy gần gũi hơn.
Rõ ràng, có được nhãn hiệu của riêng mình là nền vững chắc móng trên con đường xây dựng thương hiệu đối với khách hàng. Đặc biệt, trong thời đại dưới sự phát triển của truyền thông số thì chỉ dùng nhãn hiệu truyền thống để tiếp cận với khách hàng là chưa đủ. Các tập đoàn như Intel, McDonald’s, Netflix, Coca-Cola, hay gần đây là Mastercard đều đầu tư mạnh vào âm thanh đặc trưng của riêng mình. Ví dụ, âm thanh “ta-da” của Netflix không chỉ mang tính biểu tượng mà còn được nghiên cứu kỹ về tần số, độ dài và cảm xúc tạo ra nơi người nghe. Mastercard thậm chí đã phát triển cả một “bản nhạc thương hiệu” được chơi ở các sự kiện toàn cầu thậm chí tích hợp cả vào hệ thống thanh toán.
Âm thanh thương hiệu (audio branding) là một chiến lược sáng tạo trong lĩnh vực marketing tuy nhiên để những dấu hiệu âm thanh đó thực sự trở thành tài sản pháp lý có giá trị được pháp luật bảo vệ thì việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là vô cùng cần thiết.
Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì liên quan đến Nhãn hiệu âm thanh hay xác lập Quyền Sở hữu tri tuệ đối với nhãn hiệu, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí và cung cấp Dịch vụ tốt nhất theo thông tin sau:
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ TƯ VẤN DỊCH VỤ IP PRO
Địa chỉ: Tòa A Hoàng Huy Goldenland, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0987858890
Website: ippro.vn
Email: ippro@gmail.com